13. Xử lý ra hoa nghịch vụ trên sầu riêng

YÊU CẦU trước khi xử lý ra hoa nghịch vụ:

– Cây khỏe, không bị bệnh (xì mủ, thán thư, rong rêu…)

– Cây đủ lá (có từ 2 – 3 cơi lá trở lên)

– Có tiết làm bông (phụ thuộc vào gió, nhiệt độ, thủy triều…)

Quy trình làm bông cơ bản gồm các bước sau đây:

BƯỚC 1: BÓN LÂN GỐC (DẰN LÂN)

– Thời điểm: Bón lúc nào cũng được, thường là khi lá lụa đến lá bánh tẻ của cơi đọt trước. Ví dụ: Nếu làm 2 cơi lá thì vừa lụa cơi 1 bón Lân, nếu làm 3 cơi lá thì vừa lụa cơi 2 bón Lân.

– Các loại phân Lân có thể sử dụng: Long Thành, Ninh Bình, Văn Điển…

– Liều lượng: Tùy vào tuổi cây, sức cây, độ lớn, mức độ xanh tốt của cây mà dùng với liều lượng thích hợp. Ví dụ, thông thường cây 4 năm (ở miền Tây): bón khoảng 3-4 kg Lân

– Cách bón: Bón vào khu vực dưới tán, phạm vi 2/3 tán (tính từ gốc ra ngoài)

Lưu ý: Trước khi bón Lân cần dọn sạch cỏ khu vực dưới tán. Nếu để cỏ quá nhiều phân không thấm được xuống đất, cây không hấp thu được do đó xử lý sẽ không đạt hiệu quả

BƯỚC 2: PHUN CHẤT TẠO MẦM LẦN 1

– Thời điểm: Tùy theo cây đi đọt nhanh hay chậm vì cần căn cứ vào điều kiện thực tế của lá cây, thông thường là sau thời điểm bón Lân gốc khoảng 1 tháng:

+ Nếu cơi đọt ra 4 lá thì canh 2 lá bên trong vừa mở ra, 2 lá ngoài còn khép

+ Nếu cơi 5 lá thì canh 3 lá mở

+ Nếu cơi 6 lá thì 3,5 – 4 lá mở

Đọt đang đi (còn 1-2 lá khép) giai đoạn có thể xịt tạo mầm lần 1

– Chất phun tạo mầm: sử dụng phân bón có hàm lượng chất Lân cao (10-60-10, 10-55-10, Lân 86…) + phân bón có chứa chất Kali cao (7-5-44, 0-0-50…)

– Cách phun: Quan trọng là phun ướt dạ cành và mặt dưới lá

Sau khi tạo mầm lần 1 thì tùy vào biểu hiện của cây và tình hình thời tiết, nhà vườn nên kiểm tra thường xuyên bằng cách ban đêm soi đèn pin lên các dạ cành để xem có thấy mầm hoa (mắt cua) hay chưa, số lượng nhiều hay ít, có sáng nhẹ chưa. Nếu cây có dấu hiệu xuất hiện mầm hoa (nhú mắt cua) thì sử dụng chất Paclobutrazol. Nếu chưa thấy dấu hiệu gì thì tiến hành tạo mầm lần 2 hoặc lần 3…mỗi lần tạo mầm lại cách nhau 7-10 ngày (chất mầm lần 2, lần 3 giống như lần 1)

Lưu ý: giai đoạn này vẫn tưới nước bình thường cho cây

BƯỚC 3: PHỦ MÀN NILONG (ĐẬY MỦ)

– Thời điểm: Khi cây có dấu hiệu xuất hiện mầm hoa (nhú mắt cua). Lúc này mắt cua chỉ ra lưa thưa. Lưu ý: tuyệt đối không để cây khô mà đậy mủ, vì nếu cây khô gốc và thiếu nước thì cây sẽ không hấp thu được Paclo

– Cách đậy mủ: đậy kín gốc, không để nước dính vào gốc

Đậy màn Nilong (đậy mủ), vì mùa làm bông nghịch dễ gặp mưa, do đó việc đậy màn sẽ giúp phần gốc cây tránh tiếp xúc nước mưa

BƯỚC 4: PHUN PACLOBUTRAZOL (PACLO)

– Thời điểm: sau khi đậy mủ thì phun paclo càng sớm càng tốt

– Vị trí: Phun bên trong cây, phun kỹ vào dạ dưới cành, thân, mặt dưới lá

*Lưu ý:
– Sau khi phun Paclo thì cắt nước, rút nước trong mương ra, tạo điều kiện khô hạn cho cây

– Chỉ phun Paclo 1 lần trong 1 mùa và chỉ áp dụng đối với cây sầu riêng khỏe mạnh. Nếu phun quá nhiều lần và quá liều Paclo thì cây có hiện tượng ngộ độc Paclo và dễ chết

Hạ mức nước trong mương để tạo khô hạn

BƯỚC 5: TẠO MẦM SAU KHI PHUN PACLO

– Thời điểm: Sau khi phun Paclo 10 ngày

– Các loại thuốc như tạo mầm lần 1: Lân cao + Kali cao

– 10 ngày tạo mầm 1 lần đến khi mắt cua sáng 10-20% là ngừng (thường tạo khoảng 2 lần)

BƯỚC 6: DỠ MỦ, NHẤP NHẸ NƯỚC LẠI

– Thời điểm:

+ Giống Ri6: khoảng 70-80% mắt cua sáng rõ

+ Giống Moon Thon: khoảng 70-80% mắt cua ra dài từ 2-3 cm

Mắt cua đã sáng rõ, nếu 80% mắt cua trên cây đều sáng rõ thì có thể nhấp nước trở lại
Trên 80% mắt cua đã ra hoàn toàn (sáng rõ)

– Sau khi dỡ mủ thì xơi nhẹ bề mặt đất, tưới nhấp nước (tưới lượng ít khoảng 20-30% lượng nước bình thường, sau đó tăng dần lên)

*Lưu ý: nếu tưới sớm mắt cua vẫn chưa sáng rõ có thể dẫn đến nghẽn bông, mắt cua bị đen trở lại hoặc ra bông phướn (bông lá). NẾU bị trường hợp này vui lòng liên hệ cty sớm để được hướng dẫn xử lý

Hiện tượng mắt cua bị đen trở lại do gặp thời tiết bất lợi (mưa), hoặc nhà vườn tưới nước sớm

BƯỚC 7: KÉO BÔNG

Kéo bằng các chất dinh dưỡng cân bằng: Amino, trung vi lượng…

TÓM LẠI: Việc xử lý ra hoa sầu riêng là vấn đề khá nhảy cảm và phức tạp, tùy thuộc vào thực tế từng cây, từng vườn, điều kiện thời tiết từng khu vực khác nhau mà áp dụng khác nhau. Có thể mùa này bạn xử lý rất đạt, mùa sau xử lý y chang vậy nhưng lại không ra và ty tỷ vấn đề phát sinh khác.

Nguồn A+

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

error: Content is protected !!