10 ĐIỀU BỐ MẸ CẦN BIẾT VỀ TRẺ SƠ SINH
Các mẹ vào đọc nhé!
Lần đầu làm bố mẹ thật nhiều bỡ ngỡ, vô vàn câu hỏi được đặt ra về sức khỏe, chăm sóc bé sơ sinh. Dưới đây là những thắc mắc thường gặp của bố mẹ trẻ về đứa con mới chào đời.
1. Cân nặng và chiều cao của trẻ sơ sinh là bao nhiêu thì được coi là bình thường?
Đối với trẻ sơ sinh đủ tháng (không dưới 40 tuần mang thai) trọng lượng cơ thể dao động trong khoảng từ 3,2 – 3,8 kg (trung bình là 3,5 kg), chiều cao 50 – 53 cm (trung bình là 51 cm) được coi là bình thường. Trọng lượng cơ thể và chiều cao của trẻ sơ sinh có thể ít hơn mức này nếu trẻ đẻ thiếu tháng hoặc do mẹ có hút thuốc lá, uống rượu.
2. Con tôi bị đẻ thiếu tháng. Tại sao lại như vậy? Liệu những đứa con sau này có bị đẻ thiếu tháng không?
Có nhiều nguyên nhân gây ra đẻ non: Sức khỏe của người mẹ, chế độ ăn uống khi có thai, lứa tuổi của người mẹ, tư thế và sức khỏe của bào thai, các yếu tố về mặt di truyền. Đẻ non cũng có thể xảy ra đối với những phụ nữ đẻ nhiều lần, có cổ tử cung không phát triển đầy đủ, bị u xơ, bị nhiễm độc sau tháng thứ 4.
Một số phụ nữ sinh lần thứ hai cũng vẫn bị đẻ non. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần phải gặp bác sĩ phụ sản để xác định rõ nguyên nhân gây ra đẻ non, tiến hành điều trị, và chỉ sau đó mới quyết định có nên tiếp tục mang thai hay không.
3. Mỗi tháng trẻ tăng cân bao nhiêu là đủ? Trẻ thường cao lên thêm bao nhiêu sau mỗi tháng?
Để kiểm tra xem trẻ có phát triển bình thường không, có thể căn cứ vào các chỉ số sau:
– Trẻ đủ tháng mỗi tháng tăng tăng trung bình khoảng 600 g. Tháng thứ 2 và tháng thứ 3 tăng khoảng 800 g. Trong những tháng tiếp theo, mức tăng sẽ giảm 50 g so với tháng trước đó. Chẳng hạn như ở tháng thứ tư sự tăng cân của trẻ sẽ là 800 trừ 50 g, có nghĩa là 750 g.
– Về chiều cao, trong 3 tháng đầu, mức tăng trung bình là khoảng 3 cm mỗi tháng. Ở độ tuổi 3-6 tháng, mức tăng là 2,5 cm/tháng. Từ 6–9 tháng tăng 1,5-2cm/tháng; từ 9-12 tháng tăng 1-1,5 cm. Như vậy sau một năm chiều cao của trẻ tăng khoảng 25-27 cm, đạt mức 75-78 cm. Chiều cao của các bé gái trong năm đầu tiên thường ít hơn so với các bé trai khoảng 1,5 cm.
4. Khi mới sinh ra, khắp cơ thể con tôi có những lông tơ nhỏ và sáng màu, liệu chúng có mất đi được không?
Nhiều trẻ sơ sinh có lông tơ bao phủ khắp cơ thể, chuyện đó không có gì đáng ngại cả vì lông tơ sẽ mất đi vài tuần sau đó.
5. Các bác sĩ nhi khoa thường hay đo vòng đầu của trẻ để làm gì?
Việc đo vòng đầu của trẻ cho phép tiến hành kiểm tra một cách gián tiếp sự tăng trọng lượng của bộ não trẻ và quá trình tuần hoàn của các chất lỏng trong não. Lần đo vòng đầu thứ nhất được coi là khởi điểm để có thể so sánh với những lần đo sau, nhắm phát hiện sự phát triển quá nhanh hoặc quá chậm vòng đầu của trẻ. Ở những đứa trẻ khỏe mạnh, vòng đầu tăng khoảng 1-1,5 cm mỗi tháng.
6. Khi nào thóp trên đầu trẻ liền lại?
Ở những đứa trẻ phát triển bình thường, thóp nhỏ liền lại trong khoảng từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 4; thóp lớn liền lại khi trẻ được 12 – 18 tháng. Có tới 80% trẻ đẻ đủ tháng đã liền các thóp này ngay trước khi ra đời. Nếu thóp của trẻ liền lại chậm hơn thời gian nói trên, cần cho trẻ đến khám ở bác sĩ nhi khoa.
7. Đứa con mới sinh của tôi ngủ hầu như suốt ngày, điều đó có bình thường không?
Điều đó là hoàn toàn bình thường. Vì trẻ sơ sinh trong những tuần lễ đầu tiên thường ngủ tới 20 tiếng một ngày. Trẻ chỉ tỉnh dậy vào những lúc ăn.
8. Tốt nhất nên đặt trẻ nằm ngủ ở tư thế nào? Nằm ngửa, nằm sấp hay nằm nghiêng?
Tốt nhất là nên đặt trẻ nằm nghiêng, luân phiên nằm nghiêng bên phải rồi bên trái và ngược lại. Ở tư thế này trẻ sẽ đỡ bị sặc nếu bé trớ sữa ra. Dưới má trẻ có thể đặt một mảnh giấy hoặc vải mềm để lót.
9. Rốn của con tôi có mùi hôi và chảy mủ, vậy cần phải làm gì?
Bạn cần phải cho bé đi bác sĩ nhi khoa khám. Có thể rốn của con bạn đã bị viêm nhiễm.
10. Nhiệt độ trong phòng của trẻ sơ sinh là bao nhiêu được coi là vừa đủ?
Những trẻ sơ sinh đẻ đủ tháng đã xuất viện cần được ở trong phòng có nhiệt độ 22-24˚C. Đối với những trẻ đẻ thiếu tháng, nên giữ nhiệt độ trong phòng ở mức 24-26˚C.
Sưu tầm