Nông sản Việt Nam hiện nay vẫn đang trong vòng luẩn quẩn để tìm đầu ra, kể cả nông sản sạch. Trong khi thực tế nhu cầu về những sản phẩm sạch, an toàn và chất lượng đang được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm.
Chỉ mới 8 tháng năm 2017 người dân đã chi 1 tỷ USD để nhập khẩu rau quả từ nước ngoài vì cho rằng sạch và an toàn. Vậy nông sản Việt cần làm gì và làm như thế nào để xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường nội địa?
Hiện nay, ở nước ta qua tìm hiểu, nhiều người sẵn sàng chấp nhận trả mức giá cao hơn từ 5% – 10% để có được một sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe. Do vậy, để cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, các mặt hàng nông sản trong nước cũng cần thay đổi và đáp ứng những tiêu chuẩn để thu hút khách hàng. Đặc biệt là sự kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cũng những yêu cầu bắt buộc nếu muốn nông sản Việt đứng vững.
Hợp tác xã Rau an toàn Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ đang 16 xã viên tham gia sản xuất hơn 11 ha, hàng năm sản xuất hơn 1.000 tấn rau cung ứng ra thị trường. Để thuận tiện cho sản xuất, Hợp tác xã đã xây dựng nhà máy sơ chế và đóng gói với quy mô gần 100m2, với kinh phí trên 200 triệu.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm đi vào hoạt động thì nhà máy phải đóng cửa. Nguyên nhân là sự kết nối để tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự mang lại hiệu quả, các siêu thị thì cần nhiều chủng loại và lấy với số lượng ít, trong khi mỗi ngày Hợp tác cung ứng ra thị trường vài tấn nông sản.
Ông Triệu Công Đỉnh – Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Long Tuyền mong muốn kết nối với doanh nghiệp. Hợp tác xã hiện chưa đáp ứng được siêu thị vì họ cần rất nhiều chủng loại, 50 – 70 chủng loại, hợp đồng cung cấp số lượng rất ít. Bên cạnh đó, ông Đỉnh cho hay, Hợp tác xã có ngày thu hoạch chục tấn bí đao, siêu thị chỉ cần vài chục kg nên không kết nối được.
Hiện nay, không chỉ các mặt hàng nông sản trong nước cạnh tranh với nhau mà còn phải canh tranh gay gắt các sản phẩm nhập ngoại. GS. TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng: Cần có dự báo về tình hình thị trường, không nên sản xuất đại trà một sản phẩm mà thị trường tiêu thụ lại không có.
Thay đổi tập quán canh tác sẽ giúp người nông dân dễ dàng tiếp cận với thị trường hơn, khi đó thị trường cần gì thì sản xuất cái đó. Bên cạnh đó, cũng cần có sự kết nối giữa người dân và doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm làm ra; ngoài ra doanh nghiệp với doanh nghiệp phải liên kết với nhau để xây dựng thương hiệu và nắm vững thị trường, ông Võ Tòng Xuân nêu rõ.
Việc kết nối cung cầu và quảng bá các sản phẩm nông sản có thương hiệu là việc làm cấp bách. Giờ đây các hộ dân đều có chung mong muốn, Nhà nước, chính quyền cần tích cực hơn nữa trong kiểm soát và công bố những sản phẩm sạch, an toàn nhằm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Mặc khác cần thực hiện đầy đủ các chính sách, thể chế và kết nối cung cầu với hy vọng tăng sức tiêu thụ nông sản Việt trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Minh Toại – Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ, cho biết: Sở đang kết nối giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Cần Thơ với bà con nông dân để tiêu thụ hàng hóa, kết nối giữa doanh nghiệp của Cần Thơ với trong khu vực ĐBSCL, và cũng đang kết nối các doanh nghiệp của cần Thơ với doanh nghiệp nước ngoài.
Từ thực tế cho thấy, các mặt hàng nông sản đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, Organic để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, việc kết nối cung cầu và xây dựng thương hiệu hiện nay chưa thực sự nhiều, điều đó đang khiến người nông dân và doanh nghiệp đang có một khoảng cách khá xa, trong khi người tiêu dùng thực sự cần là sản phẩm sạch, an toàn, truy xuất được nguồn gốc và thương hiệu./.
Theo Phạm hải
VOV