21. Chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch

Vườn sầu riêng sau khi thu hoạch xong

Đa số nhà vườn đều nghĩ việc chăm sóc, phục hồi cây sau thu hoạch là đợi khi cắt trái xong, thu vét vườn rồi mới bắt đầu chăm sóc lại, làm vậy cũng được, tuy nhiên để tình trạng suy cây kéo dài càng lâu thì càng không tốt, khó phục hồi và sẽ chậm một bước cây không đủ lá làm bông mùa sau.

Do đó, khi cây vẫn còn mang trái, đang trong thời điểm thu hoạch thì đã tiến hành chăm dưỡng lại cây, cụ thể quy trình xử lý theo các bước bên dưới:

1. BÓN PHÂN HỮU CƠ

Thu hoạch sầu riêng không phải chỉ thu 1 lần là xong, mà thường chia ra làm nhiều lần cắt trái dẫn đến cây bị thất thoát, mất dinh dưỡng đi rất nhiều, chưa kể mỗi lần cắt sẽ tạo vết thương làm cho cây bị sốc. Việc bón phân hữu cơ lại sớm sẽ giúp hồi phục cây, duy trì độ xanh tốt và sức khỏe cho cây.

– Thời điểm bón: 7-10 ngày trước khi thu hoạch lần cuối cùng (cắt dao cuối hoặc thu vét vườn).

– Các loại phân hữu cơ có thể bón: phân chuồng, phân hữu cơ công nghiệp (Lưu ý: tốt nhất là chọn dòng nhập khẩu nước ngoài: Bỉ, Hà Lan, Nhật, Úc…). Khi bón có thể trộn phân hữu cơ chung với Humic để tăng hiệu quả.

– Cách bón: Do cây vẫn còn đang nuôi trái, nên cần tránh tác động đến rễ, khi bón chỉ rãi phân trên bề mặt, rãi đều vào khu vực 1/3 – 2/3 tán cây.

Cây sau khi đã sửa bồn hoàn chỉnh và bón phân đầy đủ

2. XỚI MÔ, KÍCH RỄ

– Thời điểm thực hiện: Ngay sau khi thu hoạch xong toàn vườn

– Cách thực hiện: dùng cuốc hoặc chỉa 3 răng xới xáo đất, phạm vi: 1/2 – 2/3 tán cây trở ra ngoài (tính từ gốc ra), tán đến đâu thì xới đến đó. Độ sâu: khoảng 10 cm lớp đất bề mặt.

– Mục đích: Làm cho đất được tơi xốp và thông thoáng, bỏ rễ cũ tái tạo rễ mới, giúp cây hấp thụ phân bón tốt hơn.

3. XỬ LÝ NẤM BỆNH

– Thời điểm xử lý: sau khi xới mô xong, tiến hành xịt thuốc bệnh trên lá và tưới thuốc bệnh dưới gốc liền cho cây, ưu tiên thực hiện sớm:

Thứ nhất: Trong thời gian cây mang trái thì sức đề kháng cây kém, dễ bị nấm bệnh, rong rêu tấn công.

Thứ 2: Trong quá trình di chuyển leo lên cây để cắt trái đã vô tình mang mầm bệnh từ dưới đất lên cây hoặc từ cây này qua cây khác, việc cắt trái cũng đã tạo vết thương ở cuống.

Để cành mạng trái thấp gần mặt đất, trái dễ bị nấm bệnh tấn công => sau khi ăn xong mùa này nên tiến hành cắt tỉa bỏ

+ Thứ 3: Việc xơi xáo mô đã gây ra những tổn thương dưới rễ => nếu để lâu sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh mới tấn công , nấm bệnh cũ sẽ lây lan ra nhiều hơn, tốn công xử lý

– Các loại thuốc dùng xử lý: thuốc trừ nấm bệnh gốc đồng, Mantaxyl, Mancozeb…

Giai đoạn làm bông, mang trái, cây dễ bị bệnh xì mủ tấn công

– Cách xử lý: Phun thuốc ướt đều toàn cây, ướt đẫm lá, thân, cành, đặc biệt phun kỹ vào các ngách thân, mặt dưới của cành; đồng thời tưới thuốc bệnh dưới gốc. Nếu tình trạng cây khỏe, ít bệnh thì xịt ngừa 1 lần là được, nếu cây bị rong rêu , nấm bệnh nặng thì 7 ngày sau xịt lại lần 2.

Lưu ý: Nếu rửa vườn không kỹ, nấm bệnh có thể ẩn nấp và là nguồn bệnh tấn công lên bông – trái sau này.

4. DỌN TỈA CÀNH

Thời điểm thực hiện: Sau khi quản lý nấm bệnh xong, bạn có thể bắt tay vào dọn tỉa cành từ từ.

Quy cách tỉa:

+ Cành cần cắt tỉa: Cành khô, sâu bệnh, cành tăm ốm yếu, cành thấp gần mặt đất (khoảng 60 cm tính từ gốc lên)

+Cành giữ lại: Cành bơi, chùm ổ quạ.

Mục đích: Dùng để cung cấp dinh dưỡng nuôi những cành cho quả. Đối với cây suy thì TUYỆT ĐỐI không cắt cành chùm ổ quạ, cây khỏe thì có thể cắt cành ổ quạ, chừa lại cành bơi. Tiến hành tỉa bỏ cành bơi khi lá đã già thành thục.

5. TIẾN HÀNH LÀM CƠI ĐỌT 1

– Sau khi tưới thuốc bệnh 3-5 ngày, tiến hành cung cấp dinh dưỡng cho cây bằng các dòng phân NPK có hàm lượng lân cao như: DAP, 20-30-0,… để kích rễ ra mạnh.

– Khi ra cơi đọt non (xuất hiện mũi giáo) : Phun thuốc trừ rầy + Vi Lượng + Amino+ Phân Bón Lá bổ sung. Phun 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 – 7 ngày.

– Sau đó tiếp tục theo chu trình chăm dưỡng bình thường của cây.

Các bước trên, mỗi bước đều nên thực hiện càng nhanh càng tốt, nhanh nhất có thể để giúp cây phục hồi sớm, cây được chuẩn bị tốt hơn giúp mùa vụ sau đạt hiệu quả hơn.

Tóm lại:

Đối với các vườn biết kỹ thuật, vừa nuôi trái vừa dưỡng cây, thì các bước xử lý sau thu hoạch chỉ gọi là CHĂM SÓC nhẹ.

Cây mang trái nhưng bộ lá rất tốt, lá to – khỏe -dày – bóng

Còn những vườn chăm sóc chưa đúng kỹ thuật như: lạm dụng quá nhiều phân bón hóa học, các chất xử lý ra bông nghịch vụ như Paclo gây ngộ độc Paclo, dùng biện pháp hãm đọt chặn đọt, để cây mang số lượng trái quá nhiều .. làm cây suy nặng thì mới cần PHỤC HỒI .

Do đó việc xử lý sau thu hoạch nhẹ nhàng hay khó khăn là phụ thuộc vào tình trạng cây, cách chăm sóc của bạn trước đó

Nguồn: A+

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

error: Content is protected !!